Vì sao diễn viên xiếc có thể dùng đầu đỡ lấy cái vò từ trên cao rơi xuống?


Mọi người đều biết rằng, một hòn đá nhỏ từ trên cao rơi xuống có thể đập rách đầu. Thế thì vì sao một diễn viên xiếc có thể lấy đầu đỡ được chiếc vò từ trên cao rơi xuống mà không bị hề hấn gì cả nhỉ?

Thì ra, khi chúng ta tiếp lấy một vật thể từ trên cao rơi xuống, chẳng những ta phải chịu tác động trọng lực của bản thân vật thể, mà còn chịu tác động của một xung lực. Độ lớn của xung lực này không phải cố định không đổi. Nó có quan hệ với trọng lượng của vật thể và tốc độ văng tới, và còn quan hệ cả với độ nhanh chậm khi chúng ta làm cho nó dừng lại. Vật thể nặng, tốc độ lớn và dừng nhanh đều làm cho xung lực tăng lên. Nếu chúng ta có cách gì làm cho nó dừng lại chầm chậm thì có thể giảm nhỏ loại xung lực đó.
Xung lực; Tác dụng hoà hoãn.
diễn viên xiếc dùng đầu đỡ lấy cái vò

Bạn hãy thử làm xem. Tung một xâu chìa khoá lên cao 3 - 5 mét, đợi khi nó rơi xuống thì xoè lòng bàn tay ra giữ yên, mặc cho xâu chìa khoá rơi vào. Lòng bàn tay sẽ cảm thấy rất đau. Nếu chúng ta chăm chú nhìn kĩ xâu chìa khoá đang rơi xuống, khi nó sắp rơi đến bàn tay, mà tay cũng thuận đà hạ xuống một đoạn ngắn, làm cho nó từ từ dừng lại trong bàn tay, lòng bàn tay sẽ không cảm thấy đau mấy. Có thể thấy rằng, dùng cách thứ hai để hứng xâu chìa khoá thì xung lực của nó đối với bàn tay sẽ là không đáng kể. Chúng ta gọi loại tác dụng đó là tác dụng hoà hoãn. Bây giờ chúng ta trở lại xem trường hợp diễn viên xiếc biểu diễn tiết mục đỡ vò như thế nào.

Chiếc vò dùng để biểu diễn tiết mục này thường là không nặng hơn 10 kg. Nếu đội nó trên đầu giữ yên thì cũng chẳng phải điều gì mới mẻ, hầu như ai ai cũng làm được. Nếu tung chiếc vò lên cao, đợi khi nó rơi xuống thì đưa đầu ra hứng lấy thì người bình thường khó mà chịu đựng được.

Nếu bạn chịu khó quan sát kĩ sẽ nhận thấy, khi diễn viên xiếc đưa đầu ra hứng lấy chiếc vò, anh ta không hề đứng yên không động đậy, mà bao giờ cũng dang hai chân ra đứng vững ở tư thế xuống tấn trước đã. Khi chiếc vò rơi xuống vừa chạm vào đỉnh đầu, anh ta lập tức thụp xuống theo đà rơi của chiếc vò. Điều đó giống như cách thức bạn hạ tay xuống để hứng xâu chìa khoá, xung lực tác động lên đầu bạn không còn lớn lắm. Nếu vò rơi xuống từ độ cao 1 m, và thời gian làm cho chuyển động dừng lại kéo dài khoảng 2 giây, xung lực lên trên đầu không hơn 200 N Người đã qua luyện tập lâu ngày hoàn toàn có thể chịu đựng được một lực cỡ đó.

Song, một người bình thường chưa qua huấn luyện, chỉ hiểu được nguyên lí thôi thì nhất thiết không được liều lĩnh làm thử. Rất nguy hiểm đấy! 

Bài viết mới : 

Vì sao con mắt của kĩ sư có thể "nhìn thấy" ứng suất bên trong vật liệu?



Previous
Next Post »